Tác dụng phụ của thuốc giảm đau như thế nào?
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Tìm hiểu về thuốc giảm đau?
Thuốc giảm đau (hay còn được biết đến với cái tên thuốc trị đau nhức). Thuốc tuy không trị dứt điểm hoàn toàn nhưng có tác dụng làm dịu cơn đau, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Có thể dùng thuốc giảm đau trong những trường hợp sau:
- Đau răng
- Đau cơ, chuột rút
- Đau đầu
- Đau lưng và đau khớp do thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa
- Đau do sinh đẻ, đau hậu phẫu thuật
Thuốc giảm đau sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng, dù đó là cơn đau nhẹ hay nặng, thông thường thuốc dạng viên sẽ có tác dụng trong vòng 30-60 phút. Thuốc giảm đau có thể phân thành 2 loại như sau:
1.1 Thuốc giảm đau không kê đơn
Các thuốc này không gây ra sự phụ thuộc về thể chất và tinh thần, được sử dụng đối với các cơn đau nhẹ như cảm cúm, đau bụng kinh, đau răng, đau đầu. Thuốc giảm đau không kê đơn được chia thành paracetamol và NSAID
Thuốc giảm đau có chứa Paracetamol
Paracetamol (Acetaminophen) là thuốc giảm đau cơ sở, được ưu tiên sử dụng cho cả người lớn và trẻ em do có sự cân bằng giữa nguy cơ và lợi ích. Thuốc thường được sử dụng trong các trường hợp đau từ nhẹ tới trung bình, và hạ sốt và an toàn đối với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, cho con bú. Paracetamol không có tác dụng chống viêm như thuốc nhóm NSAID nên không được khuyến cáo trong các trường hợp đau do viêm
NSAID: gồm aspirin liều cao, Ibuprofen, Diclofenac, Indomethacin,... là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid. Thuốc NSAID được sử dụng trong các trường hợp đau nhẹ tới trung bình và đau do viêm. Tuy nhiên nhóm thuốc này có nhiều chống chỉ định, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt khi dùng thuốc.
1.2 Thuốc giảm đau kê đơn
Nhóm thuốc này gồm các thuốc giảm đau không Opioid và thuốc Opioid. Trong đó, Opioid có tác dụng rất mạnh, được bác sĩ chỉ định cho các cơn đau do chấn thương, cơn đau hậu phẫu thuật và cho người đang mắc bệnh ung thư. Khi uống thuốc giảm đau Opioid, thuốc tác động lên não, ống tiêu hóa và tủy sống, ức chế cảm giác đau và tăng ngưỡng chịu đau của cơ thể. Thuốc Opioid gồm nhóm có nguồn gốc tự nhiên được chiết xuất từ thuốc phiện như Morphin, codein và nhóm thuốc có nguồn gốc tổng hợp như Heroin, Fentanyl,..
2. Uống thuốc giảm đau nhiều có hại không?
Với những tác dụng phụ ghi trên có thể gặp phải khi sử dụng nhiều thuốc giảm đau, câu trả lời là uống thuốc giảm đau nhiều có hại. Ngoài gây hại tới hệ tiêu hóa, gan thận, tim mạch, hệ thần kinh trung ương, các thuốc có thể gây các tác dụng phụ nhẹ như mệt mỏi, chóng mặt, dị ứng, ngứa, buồn ngủ.
Uống thuốc giảm đau nhiều có thể ảnh hưởng xấu tới cơ thể
3. Một số tác dụng phụ khi uống thuốc giảm đau
Cũng giống như các thuốc khác, thuốc giảm đau cũng gây một số tác dụng không mong muốn tới cơ thể người bệnh. Để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại, cũng như tiền sử dị ứng với thuốc nếu có và các thuốc đang sử dụng kèm theo để tránh ảnh hưởng sức khỏe cũng như sử dụng thuốc giảm đau đúng cách. Một số tác dụng phụ của thuốc giảm đau có thể gặp phải gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như sau:
3.1 Sử dụng thuốc giảm đau quá liều gây tổn thương gan
Acetaminophen (Paracetamol) được chuyển hóa chủ yếu ở gan, giống như các chất được đưa vào cơ thể bằng đường uống. Khi nạp vào cơ thể quá liều Acetaminophen sẽ khiến gan hoạt động quá mức. Bình thường, thuốc này nhanh chóng được hấp thụ vào máu bằng đường tiêu hóa, tăng ngưỡng ngưỡng đau chung của cơ thể để giảm đau và loại bỏ nhiệt thừa để giảm sốt. Một lượng nhỏ Acetaminophen sẽ được chuyển hóa thành một sản phẩm có hại là NAPQI (N-acetyl-p-benzoquinoneimine).
Sử dụng quá liều Paracetamol gây tổn thương gan.
Nếu dùng thuốc đúng liều lượng và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, Acetaminophen tương đối an toàn vì cơ thể có thể loại bỏ sản phẩm phụ đó ra ngoài thông qua đường tiết niệu. Tuy nhiên nếu sử dụng thuốc liều cao khiến gan cần chuyển hóa đột ngột lượng thuốc quá liều, sẽ dẫn tới quá nhiều sản phẩm NAPQI độc hại tạo ra, sẽ gây hại cho các tế bào gan, thậm chí dẫn tới suy gan cấp tính và tử vong. Nếu gan của người bệnh đã bị tổn thương, Paracetamol có thể khiến tổn thương đó nặng hơn. Bởi vì điều này, những người nghiện rượu bia hoặc đã tổn thương gan từ trước đó, cần đặc biệt thận trọng khi dùng Paracetamol, và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chứa Paracetamol và các chế phẩm liên quan.
FDA (Food and Drug Administration) - Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ hiện nay khuyến cáo không nên sử dụng đồ uống có cồn khi dùng thuốc có chứa thành phần Paracetamol.
3.2 Thuốc giảm đau ảnh hưởng tới đường tiêu hóa gây viêm loét dạ dày
Acetaminophen ít gây tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, tuy nhiên nếu dùng thuốc liều cao hoặc trong thời gian dài sẽ có thể gây ra một số triệu chứng tới dạ dày như ợ chua, ợ hơi, đau bụng, buồn nôn.
Một trong những tác dụng phụ thường gặp của Ibuprofen khi sử dụng với liều lượng khuyến cáo là chứng ợ nóng. Lý do là vì Ibuprofen ngăn chặn enzym COX-1 trong dạ dày, làm phá vỡ hàng rào bảo vệ của dạ dày. Sử dụng quá liều Ibuprofen hoặc liên tục trong 3 ngày có thể gây viêm loét dạ dày, xuất huyết nghiêm trọng.
Sử dụng liều cao thuốc Aspirin và những loại thuốc kháng viêm non steroid cũng gây tổn hại tới lớp niêm mạc dạ dày, gây khó chịu thượng vị. Một số biểu hiện như sụt cân, nôn ói,... Các triệu chứng này sẽ chuyển biến nhanh hơn đối với người lớn tuổi hoặc uống nhiều bia rượu, nghiện thuốc lá, thậm chí có thể dẫn tới nhập viện.
3.3 Sử dụng thuốc giảm đau nhiều có thể gây giảm chức năng thận
Paracetamol và Ibuprofen có thể gây tổn thương thận nếu sử dụng trong thời gian dài.
Tình trạng suy thận khi sử dụng quá liều Ibuprofen có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên không phổ biến. Mặc dù vậy người bệnh cũng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau.
Paracetamol và ibuprofen có thể gây tổn thương thận nếu sử dụng trong thời gian dài.
3.4 Ảnh hưởng của thuốc giảm đau tới tim mạch
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ khi sử dụng những loại thuốc giảm đau không chứa Aspirin có thể tăng khả năng bị cao huyết áp. Sử dụng thuốc Paracetamol liều cao có thể liên quan tới các cơn cao huyết áp, đột quỵ, đau tim,... Mặc dù vậy, Paracetamol vẫn an toàn hơn các thuốc giảm đau non steroid và có thể được chỉ định thay thế các thuốc đó đối với những người mắc bệnh về tim mạch.
Nghiên cứu từ Đại học Đại Nam - Trung Quốc cho thấy những người thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau ở dạng sủi làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim: đau tim, suy tim, đột quỵ. Nguyên nhân là do thành phần muối (Natri) trong viên thuốc, được sử dụng để giúp thuốc hòa tan và phân hủy trong nước. Nếu dùng thuốc giảm đau theo liều dùng hằng ngày 2 viên/lần, cách 6 giờ mỗi lần uống, với mỗi viên sủi 500mg chứa khoảng 275-460 mg Na, người bệnh có thể vô tình nạp vào cơ thể tới hơn 3000mg Na. Trong khi người lớn không nên tiêu thụ quá 2400 mg Na mỗi ngày. Nhiều muối natri được nạp vào cơ thể là một nguy cơ đối với các bệnh về tim mạch.
3.5 Lạm dụng thuốc giảm đau dẫn đến gây nghiện
Thuốc giảm đau nhóm Opioid là những thuốc giảm đau gây nghiện, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ gặp khó khăn khi ngưng thuốc. Với liều điều trị 10-20mg/ngày, Morphin gây cảm giác lâng lâng, thư giãn, dễ chịu, khoái cảm dễ gây nghiện, giảm căng thẳng lo âu, giảm bồn chồn sợ hãi. Bệnh nhân sẽ ở trạng thái lạc quan, dễ chịu, gây giảm hoạt động tinh thần và gây buồn ngủ. Liều cao Morphin (>20mg/24h) có thể làm mất tri giác. Bệnh nhân sử dụng thuốc nhiều lần sẽ bị nghiện, khó cai, khó chịu nếu phải dừng sử dụng. Codein, tramadol cũng là các thuốc nhóm Opioid được kê trong trường hợp cơn đau mức độ nặng.
3.6 Tăng nguy cơ gãy xương ở người lớn tuổi khi sử dụng thuốc giảm đau Opioid
Việc sử dụng thuốc giảm đau nhóm Opioid nhiều làm tăng nguy cơ gãy xương, khó hồi phục sau đó đối với cả nam và nữ mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở người cao tuổi. Nhóm thuốc này có thể làm tăng tần suất gãy xương ở người trên 60 tuổi.
3.7 Ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương
Sử dụng thuốc giảm đau với liều hơn 400 mg/kg cân nặng có thể gây mất ý thức, hôn mê, co giật và suy nhược hệ thần kinh trung ương. Một số trường hợp nặng thậm chí có thể gặp phải ngừng thở.
4. Làm gì khi gặp các tác dụng phụ của thuốc giảm đau
Một số tác dụng phụ nhẹ như mệt mỏi, chóng mặt, buồn ngủ có thể biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu gặp các tác dụng phụ sau, bạn cần ngừng thuốc và tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và theo dõi kịp thời:
- Lơ mơ hoặc có thể cảm thấy sẽ hôn mê bất tỉnh
- Khó thở
- Đau tức ngực
- Sưng mắt môi, sưng cổ họng, căng lưỡi
- Co giật
5. Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau tại nhà
Thuốc giảm đau là loại thuốc phổ biến, không thể thiếu trong tủ thuốc của mỗi gia đình. Tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc giảm đau, cần sử dụng thuốc đúng cách để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Mọi người cần lưu ý những điều sau:
- Sử dụng đúng liều lượng: liều được ghi trên nhãn thuốc được tính theo độ tuổi, cân nặng và tương tác với những loại thuốc khác nếu có.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, thời gian dùng thuốc, ảnh hưởng của thuốc đối với người lái xe (có thể gây buồn ngủ)
- Cẩn trọng khi sử dụng thuốc giảm đau với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
- Tuân chủ chỉ định và chống chỉ định của thuốc (ví dụ thuốc Aspirin không dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi)
- Không tự ý trộn thuốc cùng rượu bia, các sản phẩm thảo dược, thuốc và thực phẩm chức năng khác. Hỏi ý kiến bác sĩ/dược sĩ nếu có ý định này, trình bày về các loại thuốc đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, cả thực phẩm chức năng và các sản phẩm thảo dược khác để được kiểm tra tương tác thuốc
- Chú ý một số tác dụng phụ nhẹ sẽ biến mất khi cơ thể quen với thuốc.
6. Một số biện pháp giảm đau không cần thuốc
- Phương pháp giảm đau bằng vật lý trị liệu: bằng cách sử dụng các yếu tố vật lý như sóng âm, nhiệt,...tác động lên cơ thể người bệnh. Vật lý trị liệu hỗ trợ giảm đau và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp người bệnh giảm dần việc dùng thuốc, phục hồi sức khỏe sau chấn thương và giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe do tuổi tác.
- Vận động giúp giảm đau: các bài tập phù hợp sẽ giúp giảm đau hiệu quả
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh: giảm tín hiệu đau truyền tới não bằng cách tác động tới hệ thần kinh, kỹ thuật này hữu ích cho nhiều bộ phận của cơ thể.
- Thiền: giúp mọi người tập trung và tĩnh tâm hơn, thay vì tập trung vào cơn đau.
- Massage: giúp giảm căng cơ, tăng thư giãn, giúp giảm đau. Mặc dù phương pháp này về mặt khoa học không giúp giảm đau những cơn đau mạn tính.
- Châm cứu: phương pháp điều trị phổ biến của y học cổ truyền. Châm cứu có thể làm dịu cơn đau ở người, là kỹ thuật dùng kim châm vào các điểm cụ thể trên cơ thể, phục vụ cho giảm đau hoặc các mục đích điều trị khác.
Bài viết trên đây, Medigo app trả lời cho thắc mắc Uống thuốc giảm đau nhiều có hại không, những tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc giảm đau không hợp lý cùng những vấn đề liên quan. Hy vọng bài viết đem lại những thông tin hữu ích cho mọi người trong quá trình điều trị giảm đau để bảo vệ sức khỏe cũng như tránh những tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(13 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm