lcp

Thông tin về thuốc chống biến chứng tiểu đường và một số lưu ý

4.8

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Để hạn chế các biến chứng của bệnh, người bệnh được khuyên dùng các thuốc chống biến chứng tiểu đường. Vậy thuốc chống biến chứng tiểu đường là gì? Có mấy nhóm? Thuốc dùng dùng hiệu quả? Hãy cùng Medigo app tìm hiểu về nhóm thuốc này qua bài viết dưới đây.

1. Tầm quan trọng của thuốc chống biến chứng tiểu đường 

Hình ảnh: Tầm quan trọng của thuốc chống biến chứng tiểu đường 

Tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh lý rối loạn của cơ thể khiến lượng đường glucose trong máy bị dư thừa quá nhiều. Đây là một bệnh lý nguy hiểm vì nếu không được điều trị kịp thời, nó sẽ gây thêm nhiều biến chứng khác, khiến sức khỏe người bệnh ngày một trầm trọng hơn.  

Một số biến chứng của bệnh đái tháo đường như:

  • Rối loạn hệ miễn dịch gây ra các bệnh răng miệng, giảm sức đề kháng với các bệnh nhiễm trùng như cúm và viêm phổi, thai to và các biến chứng khi sinh khác ở phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ. Theo thống kê, hơn 50% tổng số ca tử vong ở người mắc bệnh đái tháo là do các biến chứng tim mạch gây ra. Tỷ lệ tử vong do bệnh tim ở người mắc bệnh tiểu đường cao gấp 2 - 4 lần so với người không mắc bệnh. Những người bị tiểu đường cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 - 4 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường. 
  • Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) gây ra do sự thu hẹp các mạch máu dẫn đến cánh tay, chân, dạ dày và thận. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh PAD tăng lên theo độ tuổi, thời gian mắc bệnh tiểu đường.
  • Bệnh võng mạc là biến chứng vi mạch phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường và gây ra hơn 10.000 trường hợp mù mới mỗi năm.
  • Bệnh thận. Hiện chưa rõ nguyên nhân của bệnh thận trong biến chứng tiểu đường. Tuy nhiên, người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh thận do tiểu đường có nguy cơ cao mắc nhiều biến chứng tiểu đường khác như hội chứng thận-võng mạc, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.
  • Biến chứng loét bàn chân đái tháo đường hay cắt cụt chi dưới không do chấn thương (LEA) là một biến chứng nặng nề của bệnh tiểu đường. Có tới 15% số người mắc bệnh tiểu đường sẽ phải cắt cụt bàn chân do các vết lở loét nghiêm trọng.
  • Ngoài ra còn các biến chứng khác như: Bệnh thần kinh đái tháo đường, bệnh mạch máu lớn, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh da liễu.

Chính vì nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nên bệnh nhân mắc đái tháo đường được khuyến cáo dùng các thuốc chống biến chứng tiểu đường để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng trên các hệ cơ quan khác nhau.  

2. Các nhóm thuốc điều trị biến chứng tiểu đường 

Các thuốc chống biến chứng tiểu đường được chia thành 6 nhóm với công dụng trên từng hệ cơ quan khác nhau.

2.1 Nhóm thuốc trị bệnh thận do tiểu đường

Hình ảnh: Nhóm thuốc trị bệnh thận do tiểu đường

Triệu chứng của bệnh thận do tiểu đường là sự tăng tiết Albumin niệu kéo dài, kèm theo giảm mức lọc cầu thận và tăng huyết áp. 

Với các bệnh nhân bị biến chứng thận, liệu pháp điều trị khuyến cáo là phải kiểm soát lượng đường trong máu, kiểm soát huyết áp và chống rối loạn lipid máu.

  • Kiểm soát lượng đường trong máu nghiêm ngặt bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt. Duy trì HbA1C ≤ 7,0 giúp giảm albumin niệu nhưng không thay đổi diễn biến của bệnh.
  • Kiểm soát huyết áp ở mức  < 130/80 mmHg. Một số nhóm thuốc được khuyến cáo sử dụng như: Ức chế Angiotensin giảm lượng albumin niệu và hạ huyết áp; kết hợp với nhóm thuốc lợi tiểu để đạt ngưỡng huyết áp mong muốn; thuốc chẹn kênh canxi nondihydropyridin (diltiazem và verapamil) giúp hạ huyết áp, giảm protein niệu, bảo vệ thận.
  • Ngoài ra, bệnh thận biến chứng tiểu đường còn làm thay đổi chuyển hóa lipid của cơ thể, tăng nguy cơ biến cố tim mạch trên bệnh nhân. Nhóm thuốc statin được lựa chọn để điều trị rối loạn lipid máu, giảm các biến cố tim mạch. 
  • Bệnh nhân cũng phải tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt để làm giảm các biến chứng của bệnh gồm: Duy trì chế độ ăn giảm đạm, ít mặn;bổ sung  vitamin d và Natri bicarbonat.    

2.2  Chống biến chứng các bệnh thần kinh

Hình ảnh: Chống biến chứng các bệnh thần kinh

Ở những bệnh nhân bị tiểu đường typ 1 và 2, lượng đường trong máu quá cao sẽ làm các sợi thần kinh bị tổn thương. Tổn thương thần kinh được chia làm 4 nhóm:

  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Các dây thần kinh ở chân và tay bị ảnh hưởng gây cảm giác ngứa ran, châm chích, đau đớn mất cảm giác ở bàn chân,...
  • Bệnh thần kinh tự chủ: Các sợi thần kinh tự chủ của hệ tiêu hóa, tim mạch, bài tiết, sinh dục,.. bị ảnh hưởng gây ra các rối loạn bên trong cơ thể như hạ huyết áp tư thế đứng, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn cương dương, tiểu gấp, bí tiểu,.... 
  • Bệnh đơn dây thần kinh: Các dây thần kinh đơn lẻ bị tổn thương thường là ở tay, đầu hoặc chân. Triệu chứng thường gặp là hội chứng ống cổ tay gây đau, tê, teo cơ bàn tay…
  • Bệnh đám rối - rễ thần kinh: Là tình trạng teo cơ hoặc bị đa dây thần kinh khiến cho cơ thể bị đau một bên đùi, sụt cân và cuối cùng là yếu vận động.

Để điều trị các cơn đau thần kinh do biến chứng tiểu đường gây ra, một số thuốc được khuyên dùng gồm:

  • Pregabalin, duloxetine và tapentadol - thuốc giải phóng kéo dài, điều trị những cơn đau do dây thần kinh bị tổn thương gây ra. 
  • Pregabalingabapentinnatri valproate điều trị chống co giật cho bệnh nhân bị đau thần kinh ngoại vi.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu monoamine với đại diện là Duloxetine được dùng làm thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân biến chứng tiểu đường. 
  • Ở những bệnh nhân đau nặng, có thể dùng thuốc giảm đau opioid cho bệnh nhân, bao gồm tramadol và các chất dạng thuốc phiện khác.

2.3 Thuốc điều trị bệnh võng mạc do tiểu đường

Hình ảnh: Thuốc điều trị bệnh võng mạc do tiểu đường

Bệnh đái tháo đường gây ảnh hưởng đến cơ quan thị giác, bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh như bệnh võng mạc không tăng sinh, bệnh võng mạc tăng sinh, phù hoàng điểm. Các biến chứng giác mạc kéo dài có thể khiến bệnh nhân bị mù vĩnh viễn.

  • Điều trị phù hoàng điểm, bệnh nhân sẽ được chỉ định các biện pháp như tiêm nội nhãn thuốc ức chế VEGF (Ranibizumab, Bevacizumab, Aflibercept). Tiêm nội nhãn que cấy Corticoid thường là Dexamethasone và Triamcinolone. Hoặc liệu pháp laze khu trú.
  • Bệnh võng mạc không tăng sinh liệu pháp ưu tiên là dùng Laze quang đông võng mạc. Nhưng thường thì liệu pháp này có thể bị trì hoãn, kéo dài đến khi bệnh tiến triển thành thể tăng sinh.
  • Bệnh võng mạc thể tăng sinh được chỉ định dùng liệu pháp laze.     

2.4 Thuốc điều trị biến chứng loét bàn chân do tiểu đường

Hình ảnh: Thuốc điều trị biến chứng loét bàn chân do tiểu đường

Tiểu đường gây ra các biến chứng lên thần kinh ngoại biên, động mạch ngoại biên và suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Điều này khiến cho lượng máu tới các chi đặc biệt là chân giảm mạnh, gây cảm giác đau đớn thậm chí mất cảm giác ở chân. Thiếu máu đến chân làm giảm khả năng tự lành vết thương ở chân, hệ miễn dịch suy yếu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các dấu hiệu nhiễm trùng đầu tiên sẽ xuất hiện xung quanh các kẽ ngón chân, tại vùng da khô nứt nẻ,.. để lâu sẽ trở thành các vết loét trên chân. Theo thống kê, có khoảng 15-20% bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh lý cắt cụt chi dưới.

Để ngăn ngừa hình thành các vết loét, người bệnh cần phải sử dụng các thuốc kháng sinh theo mức độ:

  • Nhiễm trùng nhẹ thông thường sẽ dùng kháng sinh đường uống. Clindamycin, doxycycline, linezolid, minocycline và trimethoprim/ sulfamethoxazole dùng để chống lại tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA). Điều trị nhiễm khuẩn Gram dương có thể các kháng sinh như amoxicillin/ clavulanate, cefdinir, cephalexin.
  • Tình trạng nhiễm trùng vừa và nặng cần dùng kháng sinh đường tiêm trong bệnh viện. Nguyên nhân gây nhiễm trùng vừa và nặng có thể do các vi khuẩn Gram âm, Gram dương hoặc do vi khuẩn kỵ khí. Các kháng sinh hay dùng gồm vancomycin, Ampicillin/ Sulbactam, Cefoxitin, Ceftriaxone, Clindamycin,...    

2.5 Thuốc điều trị biến chứng hạ huyết áp tư thế đứng

Hạ huyết áp tư thế đứng là một biến chứng thần kinh do bệnh đái tháo đường gây ra. Để phòng tránh hạ huyết áp tư thế đứng, bệnh nhân tiểu đường được khuyến cáo áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc như hoạt động thể dục đều đặn, bổ sung thêm nước và các chất điện giải.

Một số thuốc hạ huyết áp được dùng cho người bị tiểu đường hiện nay gồm Midodrine và Droxidopa.

2.6 Thuốc điều trị biến chứng rối loạn chức năng dạ dày

Bệnh nhân bị đái tháo đường có nguy cơ cao mắc các biến chứng loạn dạ dày khiến cơ thể bị rối loạn tiêu hóa. Các biện pháp không dùng thuốc được khuyến cáo là thay đổi chế độ ăn uống, chia thành nhiều bữa, giảm chất béo và chất xơ.

Còn trong điều trị, thuốc duy nhất được chỉ định điều trị biến chứng liệt dạ dày do đái tháo đường là Metoclopramide.

3. Một số thuốc chống biến chứng tiểu đường hiệu quả&nbsp;

Dưới đây là thông tin về một số thuốc chống biến chứng tiểu đường hiệu quả đang được bán trên thị trường.

3.1 Metformin STELLA chống biến chứng tiểu đường

Hình ảnh: Metformin STELLA chống biến chứng tiểu đường

Thuốc Metformin STELLA do thương hiệu Stellapharm - Việt Nam sản xuất. Với thành phần chính là Metformin hydroclorid 850mg, thuốc được dùng để điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Giảm tỷ lệ tử vong và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường như hạn chế tổn thương thận, giảm nguy cơ mù lòa, giảm tỷ lệ loét các chi,...

Đối tượng chống chỉ định

  • Người quá mẫn với Metformin và bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị rối loạn chức năng thận, suy thận.
  • Người bị nhiễm toan chuyển hóa cấp hoặc mạn tính.
  • Suy tim sung huyết, trụy tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp tính.
  • Những trường hợp mất bù chuyển hóa cấp tính.
  • Không dùng cho người chụp X quang có tiêm các chất cản quang có iod. 

Lưu ý, đây là thuốc kê đơn, bệnh nhân chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Giá một hộp thuốc Metformin STELLA 850mg có giá khoảng 60.000 VND.

Xem thêm thông tin chi tiết về sản phẩm Metfotmin STELLA tại đây

3.2 Thuốc điều trị đái tháo đường GLIBENCLAMID 

Hình ảnh: Thuốc điều trị đái tháo đường GLIBENCLAMID

GLIBENCLAMID do thương hiệu Domesco sản xuất có hoạt chất chính là Glibenclamid 5 mg. Glibenclamid thuộc nhóm Sulfonylureas - nhóm thuốc hạ đường huyết, chống biến chứng tiểu đường dùng cho bệnh nhân bị đái tháo đường typ 2. 

Glibenclamid kích thích tuyến tụy tăng sinh Insulin nội sinh, giúp lượng đường trong máu đến được các cơ quan đích, ổn định đường huyết. Đồng thời, nó còn giúp ngăn ngừa các biến chứng ở thận và tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tổn thương thận,... do sự tích lũy quá nhiều Glucose trong máu gây ra. 

Đối tượng chống chỉ định:

  • Không dùng GLIBENCLAMID cho bệnh nhân quá mẫn với các thuốc nhóm sulfonylureas hay bất kỳ thành phần nào của thuốc. 
  • Người bị đái tháo đường typ 1, người nhiễm toan ceton do đái tháo đường.
  • Người suy giảm chức năng gan, thận.
  • Người bị hôn mê, tiền hôn mê.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Sản phẩm này thuộc danh mục thuốc kê đơn, người bệnh chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Một hộp GLIBENCLAMID 5mg 5 vỉ x 20 viên có giá khoảng 110.000 VND.

Tìm hiểu thêm về hướng dẫn sử dụng của sản phẩm GLIBENCLAMID 5mg tại đây

3.3 Thuốc tiêm Insulin SciLin R 40IU/ml chống biến chứng tiểu đường

Hình ảnh: Thuốc tiêm Insulin SciLin R 40IU/ml chống biến chứng tiểu đường

Thuốc tiêm Insulin SciLin R 40IU/ml chứa hoạt chất chính là Insulin, do thương hiệu Biocon - Ấn Độ sản xuất. Insulin là chất quan trọng giúp ổn định đường huyết của cơ thê, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường lên các cơ quan khác. 

Sản phẩm này có công dụng:

  • Ổn định đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường typ 1 và 2.
  • Cấp cứu tăng đường huyết trong: đái tháo đường nhiễm acid cetonic, hôn mê tăng glucose huyết.
  • Điều trị bệnh võng mạc tiến triển do biến chứng của đái tháo đường.
  • Điều trị tiểu đường thai kỳ.

Chống chỉ định:

  • Người bị quá mẫn với Insulin.
  • Bệnh nhân bị hạ đường huyết.
  • Không dùng trong trường hợp ceton máu cao, toan máu và hôn mê đái tháo đường.
  •  Không dùng Insulin dạng hỗn dịch tiêm tĩnh mạch.

Lưu ý, Insulin thuộc danh mục thuốc kê đơn, người bệnh chỉ được dùng khi có chỉ định từ bác sĩ.

Thuốc tiêm Insulin SciLin R 40IU/ml có giá khoảng 130.000 VND.

Tìm hiểu thêm thông tin về thuốc tiêm Insulin SciLin R 40IU/ml tại đây

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc chống biến chứng tiểu đường&nbsp;

Khi sử dụng các thuốc chống biến chứng tiểu đường, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên lưu ý một vài điều như:

  • Nghiêm cấm hành vi tự ý mua thuốc về dùng. Bệnh nhân cần phải có sự chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. 
  • Tình trạng bệnh ở mỗi người là khác nhau. Vậy nên tuyệt đối không được mua thuốc theo đơn của người khác. 
  • Phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng thời gian được chỉ định. Tránh trường hợp khoảng cách uống thuốc giữa 2 lần liên tiếp quá gần hoặc quá xa nhau. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của thuốc.
  • Hãy thông báo cho bác sĩ điều trị của bạn về những loại thuốc bạn đã và đang sử dụng trong thời gian 3 tháng gần nhất. Bác sĩ sẽ cân nhắc đến các tương tác thuốc có thể xảy ra để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với tình trạng của bạn.

5. Một số biện pháp hỗ trợ chống biến chứng tiểu đường&nbsp;

Ngoài uống thuốc, bạn cũng có thể kết hợp các biện pháp khác để hỗ trợ chống biến chứng tiểu đường.

5.1 Biện pháp chống biến chứng tiểu đường không dùng thuốc

  • Kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
  • Nâng cao sức khỏe, tăng cường luyện tập thể dục thể thao giúp giảm lượng đường trong máu, giữ đường máu ở mức bình thường. Bạn có thể lựa chọn tập aerobic, cử tạ, Calisthenics,... Hạn chế ngồi một chỗ quá lâu, cách 30 phút nên đứng dậy hoạt động nhẹ nhàng 5 phút.
  • Hạn chế đạm, tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất từ các loại rau củ. Chất xơ từ rau củ sẽ giúp bạn làm chậm quá trình hấp thu đường, giảm đường máu. Ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp. Các loại rau củ tốt cho sức khỏe như ớt chuông, cà chua, súp lơ, bông cải xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt,...
  • Chuyển sang ăn chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa). Nó sẽ giúp bạn giảm lượng cholesterol xấu trong máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bạn nên hạn chế ăn thịt mỡ, sữa. Thay vào đó hãy chuyển sang ăn các loại dầu oliu, dầu hướng dương, thay thịt lợn bằng cá, gà,...
  • Hãy tạo cho mình một lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Thường xuyên đi kiểm tra đường huyết để phòng ngừa kịp thời.

5.2 Một số vị thuốc Đông Y chống biến chứng tiểu đường

Trong Y học cổ truyền, một số dược liệu có công dụng chống biến chứng tiểu đường như:

  • Uống nước Chè đắng phơi khô hỗ trợ điều trị tiểu đường, hạ nồng độ đường máu. Bên cạnh đó, nó còn giúp làm giảm cholesterol và mỡ máu, chống oxy hóa, tăng lưu thông máu, hạ huyết áp.  
  • Dây thìa canh làm giảm hấp thu glucose ở ruột, ngăn cản quá trình tạo glucose ở gan. Đồng thời nó còn có công dụng kích thích các tế bào beta tuyến tụy tăng tiết Insulin, qua đó giúp glucose đến được các tế bào đích.
  • Giảo cổ lam có công dụng hạ đường huyết, giảm cholesterol máu giúp ngăn ngừa tình trạng rối loạn lipid máu. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng giãn mạch, ngăn nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch, huyết áp. Chất saponin có trong giảo cổ lam còn giúp bảo vệ gan.  

Trên đây là thông tin về các biến chứng của bệnh tiểu đường và các nhóm thuốc chống biến chứng tiểu đường. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc trong thời gian sớm nhất.

Đánh giá bài viết này

(12 lượt đánh giá).
4.8
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm