lcp

Củ Mài


Củ mài hay còn được gọi là hoài sơn, sơn dược, khoai mài, chính hoài, thuộc họ Củ Nâu với danh pháp khoa học là Dioscoreaceae. Củ mài vừa là một loại thực phẩm, đồng thời cũng là một vị thuốc được sử dụng khá phổ biến trong y học cổ truyền suốt hơn 2000 năm qua. Trong y học, Củ mài có tác dụng bồi bổ sức khỏe, viêm ruột mãn tính, ăn uống kém, hen do phế hư, tiêu chảy lâu ngày, bạch đới, di tinh, di niệu, tiểu đường.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Củ mài sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Củ mài cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Củ mài, hoài sơn, sơn dược, khoai mài, chính hoài.
  • Tên khoa học: Dioscorea persimilis Prain et Burk.
  • Họ: Dioscoreaceae (Củ Nâu).
  • Công dụng: Củ mài có tác dụng bồi bổ sức khỏe, viêm ruột mãn tính, ăn uống kém, hen do phế hư, tiêu chảy lâu ngày, bạch đới, di tinh, di niệu, tiểu đường.

Mô tả Củ mài

Dây leo có 1-2 rễ củ mập hình trụ hơi dẹt, khuôn dần về phía đầu như hình quả bầu, dài 30-50cm, có thể đến 1m, ăn sâu xuống đất. Thân cây nhẵn, hơi có cạnh,đôi khi có màu đỏ, thường mang những củ ngắn, nhỏ ở kẽ lá gọi là dái mạ (thiên hoài). Lá đơn mọc so le hay mọc đối, hình tim dài, đầu nhọn, nhẵn, gân lá 5-7, tỏa ra từ gốc. Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, màu vàng. Quả nang có 3 cánh; khi quả khô, cây không còn lá; hạt có cánh mỏng màu nâu xỉn.

Củ Mài

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Củ mài được tìm thấy khắp những vùng núi nước ta, cây mọc hoang; vào những thời kỳ trước khi còn khó khăn người dân vẫn đi đào Củ mài để sử dụng làm lương thực ăn chóng đói. Củ mài được tìm thấy nhiều nhất tại các tỉnh miền Bắc nước ta như: Hà Bắc, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Thu hoạch: Mùa thu hoạch Củ mài chất lượng tốt nhất vào mùa thu đông và đầu xuân (khoảng từ tháng 10 - 11 đến tháng 3 - 4). 

Chế biến: Sau khi thu hoạch Củ mài, muốn có vị thuốc Hoài sơn phải chế biến theo các bước như sau:

Củ mài sau khi thu hoạch về, sơ chế rửa sạch đất, gọt sạch vỏ rồi cho vào lò sấy diêm sinh trong hai ngày hai đêm, sau khi sấy lấy ra phơi khô thu được Hoài sơn. Nhưng nếu muốn xuất khẩu thì hình dáng phải đẹp hơn nên công đoạn chế biến phức tạp hơn.

Củ Mài

Củ mài sau khi thu hoạch về trong vòng 3 ngày phải chế biến ngay vì để lâu sẽ bị hư. Chế biến Củ mài trải qua 3 giai đoạn:

Sấy diêm sinh lần thứ nhất:

Củ mài thu hoạch về sơ chế, gọt vỏ sau đó đem đi diêm sing (110kg củ mài tương đương dùng 2kg diêm sinh). Sắp xếp Củ mài trong lò sấy thành hình cũi lợn để tất cả các củ đều được tiếp xúc với hơi Diêm sinh. Ủ một đêm sau khi sấy diêm sinh 2 ngày 2 đêm, sau đó phơi với nắng nhỏ hoặc sấy nhẹ cho khô. Tiếp tục đem ngâm nước 2 ngày 2 đêm rửa sạch, đem phơi nắng cho khô.

Sấy diêm sinh lần thứ hai:

Tiếp tục sấy diêm sinh lần thức 2, sắp xếp hoài sơn vào lò tương tự như sấy diêm sinh lần 1, tiếp tục sấy diêm sinh 1 ngày 1 đêm (100kg Củ mài dùng 1kg Diêm sinh), cho đến khi Củ mài mềm như chuối, nếu thấy chưa mềm thì tiếp tục sấy Diêm sinh lại. Sau khi sấy xong, tiếp tục ủ trong 1 đêm, sau đó đem sửa chữa lại cho đều đặn bằng cách đặt lên ván lăn, lăn đến khi hai đầu Củ mài lõm vào. Sau khi sửa xong, tiếp tục đem phơi nắng nhỏ hoặc sấy nhẹ cho khô; sửa lại lần nữa cho thật đẹp rồi lăn cho nhẵn bóng. Cuối cùng phơi lại cho thật khô. Đánh cho bóng bằng giấy ráp bằng cánh nhúng nhanh vào nước rồi đánh bóng.

Sấy diêm sinh lần thứ ba:

Sấy Diêm sinh lần thứ ba, cứ 100kg Củ mài dùng 200g Diêm sinh, trước khi tiến hành sấy Diêm sinh cần phân loại Củ mài thành nhiều hạng khác nhau. Thời gian Sấy diêm sinh lần thứ 3 là 1 ngày 1 đêm.

Bộ phận sử dụng của Củ mài

Bộ phận sử dụng được là rễ củ.

Thành phần hóa học

Thành phần trong Củ mài chủ yếu chứa tinh bột. Ngoài tinh bột ra, Củ mài còn chứa mucin là một loại protein thể chất nhớt, allantoin, cholin, các acid amin arginin và men maltase.

Về phương diện lương thực, Củ mài chứa 63,25% tinh bột, 0,45% chất béo, 6,75% chất đạm, là nguồn dự trữ quý, có giá trị dinh dưỡng cao chỉ đứng sau gạo và ngô.

Theo tài liệu Trung Quốc, Hoài sơn có chất bột 16%, chất nhầy, cholin, 16 acid amin, các men oxy hóa, Vitamin C; trong chất nhầy có acid phytic.

Trong củ còn có nhiều loại nguyên tố vi lượng tuy nhiên hàm lượng của các yếu tố vi lượng sẽ tùy thuộc vào địa điểm mà cây mọc. Ngoài ra, Củ mài còn có chứa d-abscicin và dopamin.

Tác dụng của Củ mài

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền vị thuốc Hoài sơn có tính bình, vị ngọt, quy vào các kinh tỳ, vị, phế, thận. Nhờ các tính chất trên, hoài sơn được xem là vị thuốc có tác dụng dưỡng vị, sinh tân, bổ tỳ, bổ thận, ích phế, chỉ khát.

Hoài sơn được xem là một trong những vị thuốc bổ, trị ăn uống khó tiêu, tiêu chảy kéo dài lâu ngày không khỏi, di tinh, di niệu, phế hư ho hư, bệnh tiểu đường, bạch đới, chữa tỳ vị hư nhược.

Tính năng, chủ trị: Vị Hoài sơn được sử dụng để dưỡng vị, chỉ tả, dưỡng vị, ích phế, sáp tinh, bổ thận. Chủ trị: Nhờ các tính năng trên, hoài sơn được sử dụng để trị phế hư, ho hen suyễn, di tinh, phế hư, tiêu khát, đới hạ.

Trong y học phương đông, Hoài sơn được xem là vị thuốc bổ, có tính thu sáp, sử dụng trong viêm ruột kinh niên, đi tiểu đêm, di tinh, mồ hôi trộm, tiểu đường, ăn uống khó tiêu.

Theo y học hiện đại

Chất bổ:

Trong thành phần Hoài sơn có chất mucin, chất này tan trong nước trong điều kiện nhiệt độ và acid loãng mucin sẽ phân giải thành protid và hydrat carbon. Các chất này có tính bổ đối với cơ thể.

Thủy phân đường:

Khả năng phân hủy đường của men tìm thấy trong Hoài sơn rất cao, ở điều kiện nhiệt độ 45 - 550C, acid loãng 3 giờ có thể phân giải để tiêu hóa 5 lần trọng lượng đường.

Tác dụng tăng trọng, tăng đồng hóa và nội tiết hướng sinh dục:

Theo tài liệu và nghiên cứu nước ngoài, loài Hoài sơn (Dioscorea batalas) có vai trò tăng tác động của androgen, nhờ đó dịch chiết từ Hoài sơn làm tăng trọng lượng túi tinh và tuyến tiền liệt ở những súc vật được thí nghiệm. Loại men có trong dược liệu Hoài sơn có khả năng thủy phân lượng lớn đường ở nhiệt độ thích hợp 45 - 55 độ C.

Liều lượng và cách dùng Củ mài

Hoài sơn là một vị thuốc phổ biến, ngoài ra Hoài sơn còn được dùng để ăn chống đói trong thời gian khó khăn.

Cách dùng: Hoài sơn được dùng dưới dạng bột hoặc thuốc sắc, thường sẽ phối hợp với các vị thuốc khác.

Liều dùng: Mỗi ngày dùng 10 - 20g.

Bài thuốc chữa bệnh từ Củ mài

Chữa tỳ vị hư nhược, tiểu nhiều, ăn ít, tiêu chảy lâu không khỏi:

Phối hợp các vị thuốc bao gồm Hoài sơn, Bạch truật (sao), Đảng sâm, mỗi vị 10g sắc nước uống hoặc có thể sử dụng Hoài sơn nấu với gạo ăn vào mỗi buổi sáng.

Chữa chóng mặt, đau đầu, đau toàn thân, chân tay lạnh, ăn uống kém:

Phối hợp các vị thuốc với liều lượng sau: Hoài sơn 60g, Nhục thung dung 120g, Ngũ vị tử 180g, Thỏ ty tử 90g, Thần phục 30g, Xích thạch chỉ 30g, Đỗ trọng (sao) 90g. Sau khi chuẩn bị xong các vị thuốc, tiến hành nghiền thành bột, trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu đen. Mỗi lần uống khoảng từ 20 - 30 viên.

Phì nhi hoàn (thuốc kiện tỳ tiêu thực, dùng cho trẻ em gầy yếu):

Phối hợp các vị thuốc với liều lượng sau: Hoài sơn (sao) 60g, Bạch biển đậu (sao) 45g, Sơn tra 45g, Phục linh 45g, Mạch nha 45g, Đương quy 45g, Thần khúc 45g, Sử quân tử 40g, Bạch truật (sao) 30g, Trần bì 30g, Hoàng liên 20g, Cam thảo 20g. Sau khi chuẩn bị xong các thành phần tiến hành tán bột rây mịn, trộn với mật làm thành viên bằng hạt đậu. Mỗi lần uống khoảng 3g, mỗi ngày uống từ 2 - 3 lần.

Chữa di mộng tinh:

Thành phần bao gồm Hoài sơn, quả Chốc xôi (sao vàng) sắc uống nước.

Chữa bệnh tiểu đường:

Hoài sơn 180g, Liên tử 90g, Phục linh 40g, Ngũ vị tử 350g, Thỏ ty tử 300g. Nghiền thành bột rây mịn, thêm rượu trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm.

Chữa suy dinh dưỡng trẻ em có kèm theo tiêu chảy:

Phối hợp các vị thuốc với liều lượng sau: Hoài sơn 100g, yÝ dĩ 100g, vỏ Quýt 25g, Bạch truật 50g, mạch nha 100g, Phòng đảng sâm 50g (hoặc bố chính sâm 50g), hạt Cau 25g. Tất cả dược liệu đem sao vàng, sau đó tán thành bột mịn, trộn đều, dùng hàng ngày ăn 16 - 20g bột.

Chữa bệnh dương ùy, lưng đau:

Phối hợp các vị thuốc với liều lượng sau: Hoài sơn 10 phần, Độc hoạt 8 phần, Đỗ trọng 12 phần, Ngưu tất 12 phần, Quế tâm 8 phần, Ba kích 12 phần, Phòng phong 6 phần, Cẩu tích 8 phần, Ngũ gia bì 10 phần, Sơn thù du 10 phần. Tất cả nguyên liệu nghiền thành bột mịn, trộn đều, thêm mật uống vào lúc đói, với liều dùng hàng ngày khoảng 10g.

Thuốc bổ thận tinh, cố tràng vị:

Sử dụng Hoài sơn và gạo sau đó nấu thành cháo, ăn.

Chữa sỏi mật, kèm theo tiểu đường:

Các vị thuốc: Hoài sơn 60g, Lách heo 1 cái, Ý dĩ 120g. Nấu cháo ăn.

Lưu ý khi sử dụng Củ mài

Vị thuốc Hoài sơn không có chứa hoạt chất estrogen nhưng hoài sơn có các đặc điểm giống estrogen. Nên nếu có đang sử dụng các liệu pháp thay thế hormone, thuốc tránh thai hay các hormone… thì cần lưu ý. Với các bệnh nhân bị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng… cần thận trọng trong khi sử dụng.

Bảo quản Củ mài

Nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Củ mài (Hoài sơn) cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.